Bạch Hạc quyền hay Ngũ Hình quyền Thiếu Lâm Tung Sơn cải biến Bạch_Hạc_quyền

Bộ môn võ thuật nổi tiếng nhất tại Cung Vĩnh Xuân (Evergreen Hall) của chùa Thiếu Lâm Tung Sơn vào lúc đó là bộ Ngũ Hình quyền. Thời gian rồi cũng trôi qua mau, con trai của 4 vị Đại tướng nhà Minh được gửi lên chùa Thiếu Lâm Tung Sơn trước kia (Chí Thiện, Bạch Mi, Phùng Đạo Đức, Miêu Hiển) và Ngũ Mai (Lã Tứ Nương) nay đã trở thành võ tăng Thiếu Lâm Tung Sơn thành tài hạ sơn. Họ được giao sứ mạng huấn luyện võ thuật trong hệ thống các vị giáo đầu Thiếu Lâm và phải thề rằng phục hồi lại triều nhà Minh. Vào lúc đó vị Đại Tông Sư Tổng giáo đầu của chùa Nam Thiếu Lâm ở Phúc Kiến viên tịch. 5 người đã trở thành những Đại Sư Trưởng của Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến và trở thành "Ngũ Tổ của Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến" ("Five Elders of Fukien Nan Shaolin").

Họ (Chí Thiện, Bạch Mi, Miêu Hiển, Phùng Đạo Đức, và Ngũ Mai) đã phân tích tình thế của họ rất cẩn thận. Họ cần phải đáp ứng kế hoạch lật đổ triều Mãn Thanh. Các hệ thống chiến đấu được dạy tại chùa Nam Thiếu Lâm lúc đó dựa trên nền tảng của Ngũ Hình quyền. Các bộ Ngũ Hình quyền này yêu cầu các võ tăng phải luyện hàng chục năm và nắm vững (làm chủ được các kỹ pháp) các đường quyền rắc rối dài quá đỗi, mất thời gian luyện tập công phu từ 10 đến 20 năm.

Có rất nhiều kỹ thuật tàn khốc, nhiều kỹ thuật trong số đó hoàn toàn khác biệt nhau, và một vài kỹ pháp trong đó không hữu dụng lắm, bởi vì những kỹ thuật này không hiệu quả và hiệu suất lắm. Các Đại Tông Sư đã nhận thấy rằng phương pháp luyện công phu như vậy không thích hợp và không thể chấp nhận được trong việc phát triển nhanh chóng sức công phá có hiệu quả và hiệu suất thật cao.

Một phương pháp huấn luyện mới thích hợp với những nhu cầu của các nghĩa quân lúc đó thật thiết yếu. Ở miền Nam Trung Hoa, địa hình cũng khác, và có nhu cầu cần cho chiến thuật cận chiến (đánh trong không gian hẹp). Vì vậy các nghĩa quân cần một phương pháp chiến đấu hiệu năng hơn và khai thác những điểm yếu kém các bộ môn võ thuật chiến đấu của kẻ thù. Những gì các nghĩa quân cần là một phương pháp mới tiến bộ hơn những kỹ pháp trước đây. Như chúng tôi đã chứng minh, phương pháp đã từng được sử dụng trước đây là các sư phụ võ tăng Thiếu Lâm đã cố gắng mô phỏng một cách chính xác các hình thái cử động của các loài vật mà chúng đã làm để tạo ra các bộ quyền. Điểm chú trọng khác biệt trong hệ thống quyền pháp mới do 5 vị Đại Sư phát triển là dựa chính ngay trên các cơ năng sinh học của chính cơ thể con người.

Có nhiều cách phát âm tên của Bạch Hạc phái qua nhiều phương ngữ Trung Hoa khác nhau: Bạch Hạc quyền (Pai Hao Q’uan, Peh Ho Kuen), Bạch Hạc (Peh Hok, Bak Hok, Pak Hok), Bạch Hạc quyền (Bai He Q’uan) và Hạc quyền (He Q’uan). Bạch Hạc quyền cũng được biết dưới một tên khá phổ biến Ngũ Tổ quyền (the Southern Five Elder Style hoặc the Five Ancestors Fist Style hay Wu Zu Q’uan), và Vịnh Xuân Phái (the Yong Chun Style) được phát âm theo tiếng Quảng Đông (Cantonese) là Wing Chun thường được dịch sang tiếng Việt là Vĩnh Xuân Bạch Hạc quyền (Yong Chun Bai He quan, Wing Chun Bak Hok Kuen).

Để hiểu rõ nguồn gốc khởi nguyên của Bạch Hạc phái, chúng ta phải hiểu các thời kỳ giai đoạn cách mạng khởi nghĩa ở Trung Hoa, như vậy chúng ta mới có một cái nhìn tổng thể ở đây. Bạch Hạc phái có lẽ khởi nguyên được hình thành đúng vào lúc xảy ra vụ hỏa thiêu chùa Nam Thiếu Lâm ở thành phố Toàn Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến vào năm 1763 tức năm Càn Long thứ 28, hoặc là trước hay sau thời điểm này một chút. Sau đó Bạch Hạc phái trở nên một bộ quyền Thiếu Lâm nổi tiếng. Nói cách khác, theo cách căn bản thì Thiếu Lâm Ngũ Hình quyền đã phát triển thành Bạch Hạc phái. Bạch Hạc phái vẫn còn duy trì bộ Ngũ Hình quyền và đã hoàn chỉnh bộ quyền thuật này sâu sắc hơn.

Hạc Quyền là tên gọi chung cho 5 phái Hạc quyền của một loại quyền pháp mô phỏng theo thần thái và bộ hình của loài Hạc. 5 phái Hạc quyền này là Tung Hạc quyền (Zong Hequan 縱鶴拳 hay 宗鶴拳, the Jumping Crane Boxing), Phi Hạc quyền (Fei Hequan飞鶴拳, the Flying Crane Boxing), Minh Hạc quyền (Ming Hequan 鳴鶴拳 hay 鸣鶴拳, the Crying Crane Boxing), Túc Hạc quyền (Su Hequan 宿鶴拳, the Sleeping Crane Boxing) và Thực Hạc quyền (Shi Hequan 食鶴拳, the Eating Crane Boxing), mà tất cả các phái Hạc quyền trên có lịch sử đã ngót 300 năm nay rồi. 5 phái Hạc quyền này hình thành riêng biệt vào gần cuối thời nhà Thanh. Tất cả năm phái Hạc quyền trên được mọi người theo học có xuất xứ ở miền Nam Trung Hoa.

Đối lập lại với Bạch Hạc phái, mà Bạch Hạc phái đã trở thành dòng Thiếu Lâm quyền chính tông, cũng có nhiều bộ quyền khác của Thiếu Lâm cũng từ võ Thiếu Lâm mà nổi lên khắp nơi, do có một số môn đồ đã rời khu vực xung quanh chùa Nam Thiếu Lâm trong thời kỳ cách mạng khởi nghĩa ở Trung Hoa. Một số võ phái trong những nhánh Thiếu Lâm quyền phân lưu đã trở nên rất nổi tiếng như Hồng gia (Hung Ga), Thái Lý Phật gia quyền (Choy Li Fut Ga Kuen), và Vịnh Xuân phái (Wing Chun Style) mà dòng Vịnh Xuân này chủ yếu là nhánh phân lưu của Đại Tông Sư Diệp Vấn, tức là sư phụ của Lý Tiểu Long (Bruce Lee).

Hầu hết những môn đồ của Bạch Hạc phái trong suốt thời kỳ cách mạng khởi nghĩa chống nhà Thanh là những nghĩa quân. Một số người tin rằng những người sáng tạo Bạch Hạc phái đã chọn cái tên Vĩnh Xuân có nghĩa là ‘’mùa xuân vĩnh cửu’’ do nhiều lý do:

  • Đó là tên của một ngôi làng và một địa hạt gần chùa Nam Thiếu Lâm ở tỉnh Phúc Kiến, và ngôi làng đó hiển nhiên là có quan hệ với võ thuật của chùa Nam Thiếu Lâm. Những nhà sư hiển nhiên đặt tên cho võ đường cũng cùng tên như ngôi làng là cung Vĩnh Xuân trong chùa Nam Thiếu Lâm là nơi các nhà sư luyện tập võ nghệ.
  • Tên của chùa Thiếu Lâm có nghĩa là "khu rừng nhỏ", và những cây thông trong khu rừng quanh chùa thì "luôn xuân trẻ" ("Vĩnh Xuân"). Vì vậy tên này là một cách để giấu đi nguồn gốc của võ phái, nhưng vẫn biểu đạt được ý nghĩa biểu trưng là "võ Thiếu Lâm".
  • Những nghĩa quân hay dùng những câu "mật quyết" và những cụm từ như "Phản Thanh Phục Minh!". Một số người tin rằng tên Vịnh Xuân (hay Vĩnh Xuân – Yong Chun) là một phần trong cụm từ có ý nghĩa khởi nghĩa cách mạng: "Hãy luôn nói Khẩu quyết. Không bao giờ quên đất nước của người Hán, mùa Xuân sẽ mãi luôn trở lại". Mùa Xuân, trong trường hợp này, chính là đề cập đến khoảng thời gian nhà Minh còn thống trị Trung Hoa hàm ý rằng mãi mãi tôn thờ nhà Minh vì đó là nền chủ quyền chính trị của dân tộc Hán.

Do những sự cải cách mới này, đã có sự phân tách rạch ròi giữa các bộ môn võ thuật của Bắc Thiếu Lâm và Nam Thiếu Lâm.

Bắc Thiếu Lâm vẫn giữ những chiêu thức kỹ pháp và các bộ quyền nguyên thủy, và Nam Thiếu Lâm chấp nhận những bộ quyền hiệu quả và cách tân hợp lý. Khi đề cập Bắc Thiếu Lâm, điều này không có ý nói Thiếu Lâm Tung Sơn ở Hà Nam mà tất cả các môn đồ của Thiếu Lâm ở miền Bắc thuộc tỉnh Sơn ĐôngHà Bắc (Trung Quốc) bên ngoài chùa Thiếu Lâm Tung Sơn ở Hà Nam (Trung Quốc).

Lý do để phân biệt là vì Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam luôn luôn giữ liên lạc rất gần với Nam Thiếu Lâm Phúc Kiến, và luôn có một sự trao đổi thường xuyên giữa hai ngôi chùa này. Vì vậy chùa Thiếu Lâm Tung Sơn Hà Nam đã bổ sung những kỹ pháp và các bộ quyền mới của Nam Thiếu Lâm. Những bộ quyền pháp mới này được biết dưới cái tên có một đặc điểm chung là "Nam quyền" ("Nan Q'uan" or Southern Fist) mà nó không có gì khác biệt với kỹ pháp nền tảng của Bạch Hạc phái.

Nhiều vị Đại Tông Sư Thiếu Lâm quyền được người ta gọi các môn võ của họ với chính phong cách riêng hay tên riêng của họ. Ví dụ như, Phùng Đạo Đức đã sáng tạo ra Bạch Hổ phái. Ngũ Mai được cho là sư tổ sáng tạo ra Ngũ Mai phái. Cũng thật thú vị khi ghi nhận rằng những môn đồ ngày nay của Vịnh Xuân Bạch Hạc phái xem Ngũ Mai phái là môn võ anh chị em với Bạch Hạc phái.

Nhiều người cho rằng Vịnh Xuân phái xuất xứ từ Ngũ Mai. Nhiều người khác cho rằng Vịnh Xuân phái bắt nguồn trực tiếp từ Bạch Hạc phái. Nhiều người qui cho rằng nguồn gốc của Chu gia Nam Thiếu Lâm Đường Lang của Chu Á Nam (Chow Áh Nàam 周亞南) cũng có nguồn gốc chung từ phả hệ Bạch Hạc phái, vì các đường quyền căn bản của Chu gia Đường Lang hiển nhiên cho thấy có một mối liên hệ rất gần với Ngũ Mai.

Phương pháp chiến đấu của Bạch Hạc phái dựa trên ngũ hành, tạo thành Kim hình thủ, Mộc hình thủ, Thủy hình thủ, Hỏa hình thủ và Thổ hình thủ. Triết lý tấn công - phòng thủ dựa trên tám nguyên tắc: Thôn (呑/túm vào), thổ (吐/nhả ra), phù (浮/nổi), trầm (沈/chìm), cương (剛/cứng), nhu (柔/mềm), động (動), tĩnh (静).